Không phải cứ có nhiều sách là trở nên thông tuệ, hãy biết chắt lọc, tìm đọc những gì thực sự cần thiết

Tài liệu chỉ có giá khi nó được “tiêu hóa và biến thành kiến thức của mình. Chính vì thế, hãy tìm các cuốn sách viết chắt lọc, cô đọng, hướng tới hành động thay vì đọc, học và lưu cả đống tài liệu với suy nghĩ có ngày mình sẽ dùng tới nó.
Không phải cứ có nhiều sách là trở nên thông tuệ, hãy biết chắt lọc, tìm đọc những gì thực sự cần thiết


Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Sưu tầm tài liệu để học làm kinh doanh” của Chuyên gia tư vấn và đào tạo Kỹ năng Bán hàng/ Quản lý Bán hàng​ Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.

Sau khi thôi làm báo hồi những năm 2011, tôi chuyển khá nhiều công việc nhưng không bao giờ ngừng tìm kiếm các sách vở và video giảng dạy và tự học thêm từ bất kỳ nguồn nào tôi có. Số lượng tài liệu mà tôi nắm giữ chứa đầy 3 ổ cứng tổng dung lượng khoảng 10 Tetrabyte và sắp tới tôi phải mua thêm ổ cứng để chứa.

Tôi không lạ gì với các bài giảng của đại học Havard, đại học Princeton, của những chuyên gia lành nghề trong hệ thống của Lynda.com, Coursera, total Teaching Company, Udemy, Pluralsight,…

Tuy nhiên, tôi chưa từng bao giờ nghĩ tới việc chia sẻ chúng với cộng đồng, dù nhiều bạn liên hệ trực tiếp và hỏi xin tôi. Nhiều người cho rằng tôi ích kỷ, kệ họ, tôi có lý do của tôi. Và nay tôi xin kể lý do đó là gì:

1. Tài liệu nhiều không phải là thứ tiên quyết sẽ làm chúng ta trở nên thông tuệ. Vì cứ xem các bậc đàn anh trong giới doanh nhân của chúng ta thì thấy. Thời của họ làm gì có nhiều sách vở như bây giờ? Họ chỉ tập trung đọc kỹ một vài cuốn sách chứ không sưu tầm nhiều sách để áp dụng, vì có muốn áp dụng cũng có đâu mà dùng?

2. Càng học nhiều, học lắm mà không có áp dụng và chỉnh sửa thì chúng ta không phải lâm vào tình trạng “đa thư loạn mục” mà nguy hiểm hơn là “đa thư loạn Tâm”.

Tôi ngán nhất là tư vấn cho chủ doanh nghiệp sắp lâm vào cảnh phá sản mà cứ hễ định nói cái gì là anh ta trả lời: “biết rồi, cái balance scorecard (thẻ điểm cân bằng) đấy tôi dùng từ xưa rồi, không ăn thua” hoặc “ôi dào, tôi còn biết khái niệm KPI trước anh!”.

Với một người có tư duy rối rắm, chúng ta hầu như không thể cứu anh ta vì bản thân anh ta đã tự coi mình là nhất rồi thì còn chịu nghe ai?

3. Khi có được tài liệu một cách dễ dàng thường dẫn tới một cái hại cho người xin, đó là do dễ quá, họ đâm ra thấy coi thường những gì mình có. Và thật là tội cho đám tài liệu quý báu kia, sẽ bị vứt xó và chả bao giờ đọc đến cả.

Đừng dối bản thân mình ở đây, tôi đã từng sưu tầm cả nhà sách tiếng Pháp cũ khi học ngôn ngữ đó rồi lại phải bỏ đi sau mấy tháng vì nó mốc xanh mốc đỏ lên mà mình thì chả có thời gian hay tâm trí ngồi đọc.

4. Tài liệu chỉ có giá khi nó được chúng ta tiêu hóa và biến thành kiến thức của mình. Gom cả một đống một mớ lại chỉ làm chúng ta thêm băn khoăn vì phải tính kỹ áp dụng ở trường hợp này lý thuyết A hay B hay C và áp dụng kiểu X, kiểu Y hay kiểu Z.

Tôi có một người bạn mà tôi coi là tấm gương cho sự học từ hồi phổ thông. Lớp 12 tới nhà cậu thì thấy đống sách vở xếp nhiều tới mức cả căn phòng tầm 25m2 chỉ còn chừa một lối nhỏ để cậu bạn leo được lên giường đi ngủ. Sau 4 năm đại học, gặp lại, tôi chắc mẩm cậu bạn này sẽ còn nhiều sách hơn thì lại chả thấy gì trong căn phòng đó nữa. Lúc này tôi hỏi thì cậu nửa đùa nửa thật chỉ vào đầu mình “sách nó vào đây hết rồi!”. Giờ cậu bạn tôi là Phó chủ tịch của một quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ ở Việt Nam trị giá hàng tỷ đô la.

5. Các tài liệu tôi có tới từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ hệ tư tưởng phương Tây, phương Đông, thậm chí là các tiêu chuẩn Halan của người Hồi Giáo, rồi các tư tưởng phương Đông dưới cái nhìn của phương Tây, tư tưởng của người Do Thái,…

Hãy tưởng tượng độ phức tạp và tỷ mỉ của những kiến thức ấy. Chúng được viết ra bởi những bộ óc không chút tầm thường và có thể khẳng định là cao hơn phần lớn người bình thường. Anh/chị có mong chúng ta thống nhất mớ kiến thức đó lại thành một hệ tư tưởng của riêng mình? Tôi nghĩ thực sự là không tưởng.

Cách hay nhất mà tôi làm, đó là tôi làm việc và cứ hễ gặp khó, tôi lại nghĩ tới một cách làm chuẩn và tìm kiếm trong những tài liệu mình có xem có tác giả nào đã bàn về việc đó để đọc tham khảo. Nếu đọc mà không ra, tìm mà không thấy, hỏi mà không ai trả lời được nữa thì tôi sẽ quyết theo cảm tính của mình.

Thay vì đọc, học và lưu tất cả tài liệu với suy nghĩ có ngày mình sẽ ngốn hết nó, tôi nghĩ cách hay hơn cả, là hãy tìm đọc các bài viết chắt lọc, cô đọng, hướng tới hành động.

Vì thế, đừng ai hỏi tôi có sách này, sách kia hay không, mà hãy đặt cho tôi một câu hỏi liên quan tới lĩnh vực của tôi, có như thế tôi mới giúp được anh/chị và anh/chị cũng mới giúp được tôi mở mang kiến thức và kinh nghiệm của mình.

The post Không phải cứ có nhiều sách là trở nên thông tuệ, hãy biết chắt lọc, tìm đọc những gì thực sự cần thiết appeared first on Sach123.com - Trang mua sách online hàng đầu Việt Nam.

http://ift.tt/2ot5sww

Nhận xét